Tôi thích phụ nữ coi như đàn ông biến mất
Đăng: 19-05-2016
Tôi thích phụ nữ coi như đàn ông biến mất
Tôi thích những người phụ nữ tự tại và tự trọng đến mức coi như đàn ông biến mất rồi.
***
Má tôi cả đời sống ở nông thôn. Bà chưa từng nhận hoa hay lời chúc tụng nào vào 8/3. Nhưng má không buồn. Đám ruộng má tôi coi năm nào cũng trúng mùa hơn những đám ruộng trong xóm, vốn được chăm sóc bởi những ông nông dân thứ thiệt.
Bà nhạy cảm với cây cỏ, nắng mưa, không chống chỏi thiên nhiên mà nương theo nó. Má tôi nổi tiếng coi trời giỏi, làm ruộng mà đoán định được thời tiết coi như chắc ăn một nửa mùa rồi. Bác Tám, dượng Hai, chú Sáu... ai cũng nể trọng má tôi, cũng ngóng coi má tôi rục rịch làm gì với đám lúa để học theo, chuyện gì có tay má là ngon lành cả. Má xa lạ với cái câu mà những người phụ nữ quê khác hay thở dài ở đầu môi, "cái phận đàn bà mình..."
Chị tôi thì lấy chồng về chợ đã hai mươi tám năm. Chị chưa từng nhận hoa hay những lời chúc tụng vào 8/3. Chị cũng không buồn. Chồng chị tử tế nhưng cù lần, nghĩ cứ thương nhau là được, cần gì phải bày nhiều trò.
Chị giúp anh coi xưởng đồ gỗ, quản hơn hai chục nhân công, lúc rảnh còn thiết kế ra nhiều hoa văn, chi tiết khá đẹp. Đồ gỗ của xưởng anh chị, vì vậy được ưa chuộng bởi tính độc đáo.
Chị nói ít, không hay lườm nguýt nhưng làm gì chắc đó nói gì chắc đó, vậy mà chuyện lớn nhỏ gì chồng cũng tham khảo, và nếu có tranh cãi cũng trên tinh thần tương kính. Chưa có việc gì mà chị phải trông chờ chồng, với cái lý do người ta hay viện đến "bởi mình là đàn bà mà..."
Hai người phụ nữ này, tôi nghĩ, không cần ai giải phóng, bởi họ đã giải phóng mình rồi.
Phụ nữ mạnh mẽ khi không còn ý thức cái sự – phụ – nữ của mình
Tôi hay thấy trên mạng những câu được cho là đầy nữ quyền, kiểu như "bạn có thể biến đàn ông thành nô lệ chỉ với chiếc xương quai xanh gợi tình", mắc cười vì rốt cuộc chị em vẫn cứ đánh giá cao đàn ông, vẫn cứ lao tâm khổ trí làm sao để đánh gục được họ, đè đầu cưỡi cổ họ.
Rốt cuộc phụ nữ luôn nói rằng mình giỏi nhưng khi ra bãi gửi xe vẫn chờ người đàn ông nào đó dắt xe ra giùm. Chờ đợi, kiểu gì thì cũng dở, dù là chờ đợi một cử chỉ ga lăng của người khác.
Tôi nghĩ rằng phụ nữ chỉ thực sự mạnh mẽ khi họ không còn ý thức cái sự – phụ – nữ của mình nữa. Mở báo ra thấy viết về những người phụ nữ làm phu hồ, làm cửu vạn, đạp xích lô... chúng ta hay kêu lên không thể như thế được họ là phụ nữ mà, nhưng biết đâu người trong cuộc ấy vặn lại "sao lại không ?".
Cái tâm lý nháo nhác chờ quà tặng, đợi tiệc tùng vào những dịp 8/3, chị em dần đánh đồng ý nghĩa của "giải phóng" chính là "nổi loạn", "đòi quyền lợi". Cảm giác như một màn diễn đông người sau tiếng hô "action", cứ 8/3 đàn ông bắt đầu nịnh nọt chiều chuộng quà cáp, phụ nữ tụ tập rủ nhau ngồi quán bia, tự huyễn hoặc mình là đang được coi trọng đã được giải phóng.
Nhưng năm ba ngày thì thấm tháp vào đâu so với 365 ngày ? Chính vì không thật lòng tôn trọng nên giờ đám đàn ông bắt đầu so đo, hẳn nhiên đàn ông so đo thì cũng chẳng ra gì.
Tôi thích những người phụ nữ tự tại và tự trọng đến mức coi như đàn ông biến mất rồi. Họ làm đẹp vì chính họ chứ không vì ánh nhìn của đàn ông, để quyến rũ đàn ông; họ làm việc vì họ muốn chớ không phải chứng tỏ mình cũng mạnh mẽ. Họ trèo thang tre xóc nóc lại mái nhà, bưng bê vô đất mấy chậu cây, đóng đinh lên tường treo mấy cái ảnh... Thích gã nào thì cứ chạy đến bảo em thích anh rồi đó, anh nghĩ sao? Trong đầu họ không có khái niệm trâu và cột.
Sống được như thế thì không phải ngồi đây bàn về ngày 8-3 và sự bình đẳng của người phụ nữ nữa làm gì.
Nguyễn Ngọc Tư