Số mệnh
Đăng: 20-05-2016
Số mệnh
Ba mươi ngày qua, khi thực sự sống cho mình, tui đã tin vào thứ gọi là số mệnh. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tui phải phục tùng theo nó, mà trái lại, tui sẽ bằng mọi cách để làm chủ số mệnh của mình. Hãy giúp tui nói điều đó với chị gái của bà, người có chung số mệnh như tui.
***
- Nè, bạn cũng về dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phải hông? Lại ăn cơm đi rồi mình cùng tính.
Đang lúng túng vì bị bao vây giữa đám xe ôm khi vừa ra đến cổng bến, tôi chợt nghe vang lên giọng miền Nam dễ thương ấy. Một cái gật đầu, một cái nhìn tin cậy khi vừa thoáng trông thấy tấm thẻ học viên do Bộ Giáo Dục cấp được treo lủng lẳng trên ngực người vừa nói, một bữa trưa vội vã và một cuốc xe ôm chung giá ba chục ngàn, tôi đồng ý trở thành bạn cùng phòng với nó.
- Sao bà ở ngay đây mà tới muộn vậy? Lớp học được hai ngày rồi, hôm nay tui ra đón người quen nhưng lỡ mất, lại đón được bà, người Bắc mà coi cứ lơ ngơ như nai rừng vậy, may sao tui lại thấy bà, không thì bà đã bị mấy thằng xe ôm nó xẻ thịt rồi. – Nó vừa cười hồn nhiên vừa nói như thế khi dẫn tôi lên phòng nghỉ.
- Chúng ta sẽ ở đây cùng nhau trong suốt ba mươi ngày dự học, cái phòng này được phân cho tui và một bạn gái cùng tuổi, không ngờ đó chính là bà, vậy là chúng ta có duyên với nhau quá rồi. Mà sao giờ bà mới tới vậy, làm cho tui hai hôm nay cứ phải ở một mình, buồn muốn chết.
Tôi quăng người xuống giường, đáp:
- Cái đời nhà giáo nó khổ thế đấy, hết năm học tưởng là hết việc, đã sắp để đi đúng ngày rồi, ai ngờ mấy bà già làm làm sai bung bét cả sổ điểm, cả học bạ, làm mình phải dọn giúp, thế là chậm mất hai ngày, mệt quá là mệt.
- Ừa, phải rồi, năm nay mới đổi cách làm điểm, trường mình cũng nhiều người làm nhầm lắm, nhất là mấy bà già. Đúng là " đan đi không tày giậm lại", mệt cũng phải thôi.
Nó nói với tôi, đầy thông cảm và giúp tôi tống cái vali to xù vào ngăn tủ. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kĩ nó.
Tuy bằng tuổi nhau nhưng trông nó có vẻ già dặn hơn tôi. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Khuôn mặt xinh xắn của nó lúc nào cũng toát lên sự sắc sảo, tự tin như chính cái lúc nó gọi tôi ở bến xe vậy. Và ánh mắt của nó luôn mang đến cho người đối diện một sự tin tưởng khó nói thành lời. Phải nói là ngay từ những phút đầu, nó đã tạo cho tôi những tình cảm tốt về một người đồng nghiệp ở tận phương Nam xa xôi, cách tôi hơn hai ngàn cây số, người mà tôi được giao nhiệm vụ là ở cùng để giúp đỡ. Vậy mà thực tế thì chính nó lại là người đón tiếp và giúp đỡ tôi.
"Mày luôn là đồ trâu chậm nhưng lại toàn được uống nước trong", tôi bật cười khi chợt liên tưởng và nghĩ đến lời mà người chị song sinh của tôi đã nói vào cái ngày chị đến thăm tôi ở cữ đứa con thứ hai, chứng kiến cảnh tôi cứ nằm dài trên giường, bà giúp việc bế con còn chồng tôi thì cặm cụi nấu ăn dưới bếp. Mới đẻ con được chục ngày, chị đã phải xuống giường giặt giũ, cơm nước mọi bề, ăn uống thì kham khổ, con thiếu sữa khóc ằn ặt chỉ có một mình dỗ dành bế ẵm, ban đêm lục sục cho con bú sữa ngoài thì chồng càu nhàu là làm mất giấc ngủ. Lại còn bà mẹ chồng ngấm nguýt ngược xuôi rủa là "đồ đàn bà vô dụng, nhà nước cho nghỉ hẳn bốn tháng, ở nhà chỉ có mỗi việc ăn mới trông con mà chẳng nên hồn..." – Chị nghẹn ngào kể như thế để so sánh với tôi:
"Cũng là kiếp đàn bà, lại đẻ cùng ngày cùng tháng cùng năm, chị chỉ ra đời trước mày có nửa giờ đồng hồ mà sao như sống cách nhau cả mấy chục năm trời. Hình như ông trời cho mày sung sướng để bù đắp những nỗi khổ mà chị phải chịu hay sao ấy."
Chị hay nói thế như một sự an ủi động viên chính mình, chứ không phải là ghen tị với tôi, rằng chị đã gánh lấy những khổ sở nhất của kiếp đàn bà, để dành cho tôi những sung sướng mà tôi đáng được hưởng, như là một sự cân bằng trớ trêu của tạo hoá đối với một gia đình có hai đứa con gái như bố mẹ tôi. Bố mẹ và vợ chồng tôi thương chị đến nỗi không nỡ trách chị, dẫu trong lòng ai cũng biết tất cả những vất vả cực nhọc ấy là do chị tự chuốc lấy từ sự mù quáng khi yêu anh ta, người bạn học của chồng tôi khi xưa, và hiện giờ chúng tôi phải gọi là anh rể. Ấy là một người đàn ông nhu nhược, bất tài và hèn mạt, lại được sinh ra bởi một ông bố gia trưởng độc đoán, một bà mẹ cổ hủ lạc hậu, như thể họ là người của thế kỉ 18 được đầu thai vào thế kỉ 20 mà vẫn giữ nguyên những lề thói sinh hoạt và nếp nghĩ của cả mấy nghìn năm phong kiến, rồi lại áp đặt tất cả những thứ đó lên những con người trẻ trung thế hệ 7X, trong một bối cảnh xã hội hiện đại của thế kỉ 21 này.
Chồng tôi là người hiểu rất rõ về con người và gia đình anh ta, chồng tôi khuyên chị không nên vì quá yêu mà bất chấp tất cả những điều đó. Rằng lấy anh ta, chị không thể có gì hết ngoài những lời nói ngọt ngào. Những lời đường mật luôn được tuôn ra một cách dễ dàng từ đầu lưỡi của anh ta có thể mất đi bất cứ lúc nào, khi cuộc sống thực tại không thể như ý với một kẻ thiếu bản lĩnh như anh ta, với những con người hướng cổ một cách ấu trĩ như bố mẹ anh ta, những người mà ngay cả ba đứa con đẻ của ông bà cũng không thể sống chung, phải cùng vợ hoặc chồng dời đi một cách sớm nhất có thể, bất chấp sự nguyền rủa và tuyên bố từ mặt tất thảy sáu đứa bao gồm cả con rể, con dâu, con trai, con gái, những "đứa mất dạy" đã dám chống lại "lề lối gia phong" truyền qua bao đời của dòng tộc nhà ông bà. "Họ dám làm thế. Nhưng anh ta thì không. Anh ta là con út cưng, được bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ, được ông bà đặt vào niềm hy vọng cuối cùng và lớn lao. Anh ta không đủ bản lĩnh, cũng không phải là người đàn ông đích thực để một người phụ nữ có thể dựa vào"- Chồng tôi, khi ấy mới chỉ là người yêu của tôi, đã nói với chị như thế.
Bố mẹ tôi đã phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân ấy. Nhưng chúng tôi đã phải ngậm ngùi tiễn chị lên xe hoa. " Nếu phải vì tất cả những điều thực dụng tầm thường ấy mà từ bỏ thì sao có thể gọi là yêu?" - Đấy là cái lí của chị. Khi người ta yêu, làm sao biết là mình mù quáng. Chị đã phải trả giá cho tình yêu mãnh liệt đắm say ấy bằng cả cuộc đời, sự nghiệp và niềm đam mê nghệ thuật của mình. Thay bằng những điều ngọt ngào mà chị tưởng sẽ được hưởng từ cuộc tình đắm say ấy là chuỗi ngày nhọc nhằn, cực nhục.
Chồng chị ngày đêm bù khú với bạn bè, bỏ mặc chị với những lo toan cuộc sống trong cái gia đình chung ngột ngạt ấy. Chị trở thành Ôsin không công trong nhà chồng, như một lẽ hiển nhiên phải thế. Nhưng Ôsin thì chỉ phải lao động cực nhọc, phải hầu hạ dạ vâng, quá lắm là phải chịu những mắng mỏ chì chiết, những soi mói, nguýt lườm của một nhà chủ khó tính và khinh người. Nhưng Ôsin hằng tháng vẫn được nhận tiền công lao động. Thích làm tiếp thì làm, không thì bỏ. Còn với chị, ngoài việc chu toàn tất thảy mọi việc nội trợ, chị còn phải lo cả việc kiếm tiền, không chỉ cho cái "tổ chim chích nhỏ bé" trong ước mơ của chị. Tất cả những điều đó đều bị ràng buộc bởi hai từ " nghĩa vụ, bổn phận".
Những ngày chị ở cữ, thương chị vất vả nhọc nhằn, mẹ rủ tôi sang xin khéo để được đón chị về bên này. Nhưng cái mẹ con tôi nhận được là thái độ khinh khỉnh của bà thông gia: "Chúng nó là con dâu, là cháu nội của tôi. Chẳng lẽ bà lo người nhà tôi không chăm nổi mẹ con nó vài tháng ở cữ? Hay bà muốn thiên hạ ca ngợi nhà ngoại mà nhổ vào mặt đàng nội chúng tôi!". "Ấy không, bà đừng hiểu nhầm, chỉ là vì dì nó đây dạo này đang rỗi rãi. Nó muốn được chăm chị ở cữ để thoả cái tình chị em gái với nhau. Với lại tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, là mong được ông bà đây cho chúng tôi được san sẻ một chút ít niềm vui chăm bẵm con Cún Con, với gia đình tôi, chúng là con đầu cháu sớm". Mẹ tôi đành xuê xoa cho êm chuyện, sợ nói thêm nữa sẽ căng thẳng, sẽ làm cho chị thêm buồn tủi. "Nó đang máu gái đẻ..."- mẹ thì thầm nói với tôi rồi ngậm ngùi, vội vã nuốt nước mắt ra về.
Sau đấy, dẫu bố mẹ tôi có kín đáo gặp cái kẻ được gọi là chồng của chị để ngọt nhạt động viên anh ta cố gắng quan tâm hơn đến mẹ con chị, thì anh ta vẫn cứ bù khú với đám bạn sau gìơ làm, vẫn cống tất tật tiền lương của một công chức quèn cho bà mẹ đẻ. " Để mẹ lo chợ búa, cơm nước cho hai mẹ con nó"- bà ta bảo thế. Nhưng kì thực, khẩu phần ăn của chị hàng ngày không khá hơn người thường, thậm chí còn thanh đạm hơn, bởi vì " gái đẻ phải kĩ kiêng, vạ mồm mà hậu sản thì có hối cũng không kịp" – bà ta vẫn bảo thế mỗi khi chị mua thêm thứ gì đó để ăn uống, tất nhiên là bằng tiền mà tôi thỉnh thoảng vẫn dấm giúi cho chị, bởi số tiền ít ỏi chị dành dụm được chỉ đủ mua sữa cho con mà thôi. Nhìn chị mỗi ngày một xác xơ, cha mẹ tôi héo hắt cả gan ruột. Không ít lần, vì quá thương con gái, mẹ đã thầm thì xui chị bỏ chồng. Mẹ hi vọng chị sẽ tìm được sự bình an hơn bên người đàn ông vẫn si mê chị từ ngày còn thiếu nữ. Vậy mà, lần nào cũng giống lần nào, chị đều bảo " Thứ níu giữ chị với chồng bây giờ không còn là tình yêu nữa, nhưng đàn bà dẫu vĩ đại đến đâu cũng không thể thoát khỏi tấm lưng của đàn ông, khi số mệnh đã buộc họ vào nhau như thế ". Tôi không biết phải giúp chị thế nào, nhiều khi tôi ước: giá như tôi có thể san sẻ được một chút, dù chỉ là một chút thôi, những nhàn hạ sung sướng và sự may mắn mà tôi được hưởng trong kiếp này cho chị, thì đời chị chắc không quá khổ cực như thế. Nhưng đấy chỉ là ước thôi, mà Ông Trời thì không bao giờ mang đến cho người ta những thứ họ cần phải ao ước để có được, bởi nếu được thì trên đời này đã chẳng bao giờ phải có những ước mơ.
Có đôi khi, tôi tự hỏi: "Chúng tôi đều được chiếu mệnh bởi chòm Sư Tử, nếu có thứ gọi là định mệnh thật thì sao hai chị em song sinh chúng tôi lại có hai số phận khác nhau?" . Tôi vốn không tin vào thứ được gọi là định mệnh được đặt sẵn cho mỗi con người. Bởi vào mỗi giờ, trên trái đất này có những hơn năm nghìn con người được sinh ra, chẳng lẽ số phận của họ giống nhau cả sao? Nhưng đến giờ thì tôi buộc lòng đã phải tin sau một tuần sống chung với nó, người được sinh ra cùng ngày tháng với chị em tôi. Và trùng hợp một cách lạ kì với giờ sinh của chị tôi. Suốt từ hôm đặt chân đến đây, tôi thường xuyên được chứng kiến cảnh nó bị chồng khủng bố bằng điện thoại và nghe nó kể về cuộc sống gia đình mình. Theo mỗi lời nó nói, tôi tưởng như thước phim cuộc đời của chị gái tôi đang được tua lại trước mắt tôi. Chầm chậm, rõ ràng và sinh động. Có khác chăng là câu chuyện ấy xảy ra ở một địa điểm khác, cách chúng tôi hơn hai nghìn cây số mà thôi.
* *
*
Sau một tuần êm đềm, cuộc sống của hai đứa tôi bị sáo trộn bởi một người mới đến. Người đàn ông trông phong độ và có giọng nói đặc biệt trầm ấm quyến rũ ấy hơn chúng tôi đúng hai con giáp. Thay vì phải gọi bằng chú, sau cả giờ lúng túng với những đại từ nhân xưng, tôi cũng dám cho phép mình mạnh dạn gọi bằng "anh", đơn giản bởi từ đó được nó gọi người ấy một cách đầy thương yêu trìu mến. "Anh là người mà tui đón hụt ở bến xe hôm trước. Anh là hiệu trưởng ở một trường tận Lào Cai, cũng tham gia lớp bồi dưỡng này. Anh là chỗ dựa duy nhất của tui bấy nay, cũng chính là người cho tui biết vì sao mình cần phải sống cho ra sống"- đó là những gì nó giới thiệu với tôi về anh trong khi đôi mắt của hai người xoáy vào nhau đăm đắm, khiến tôi bỗng thấy sự có mặt của mình ở đây, trong giây phút này, quả là một tội ác.
Thời gian trở nên vô nghĩa trong ý niệm của hai con người ấy. Thời gian chỉ có ý nghĩa với tôi khi phải lang thang tán gẫu khắp các phòng lân cận hơn hai tiếng đồng hồ. Và thời khắc này, gần mười một giờ đêm, tôi vẫn đứng ngoài ban công nhà nghỉ. Nếu như những hồi chuông điện thoại khủng bố của chồng nó đã từng làm cho tôi khó chịu suốt cả tuần qua thì bây giờ, chính những âm thanh ấy lại mang đến cho tôi cảm giác giải thoát đầy sung sướng. Anh của nó đã vội vã trở về căn phòng được phân cho mình khi chợt nhớ ra ở đây vẫn còn có một đứa là tôi, kẻ đang cần được ngủ để có thể tiếp tục duy trì một chu kì sinh hoạt thông thường nhất.
Tôi bước vào trong khi nó vẫn đang nói với chồng qua điện thoại. Vẫn lại chuyện phải cho con ăn ngủ ra sao, tiền bạc phải dè xẻn như thế nào cho đủ. Công việc ở cửa hàng phải thế này, thế kia...Từ việc lớn nhất cho đến việc nhỏ nhất. Cứ như thể một người mẹ dặn đứa con mười tuổi trong lần đầu tiên phải tự phục vụ mình.