Duck hunt
Vược

Vược

Tác giả: Sưu Tầm

Đánh giá: 9/10

Đăng: 19-05-2016

Vược

Vược quay lại, nhưng đó không phải là Khìn, mà là chị bạn xóm bên, người đã được Vược mang trầu cau sang ăn hỏi. Chị này héo hon nhìn Vược, mái tóc xõa dài đến đầu gối. Vược chợt thấy mình có lỗi, nhưng Vược không thể sống yên ổn ở cái đất này, Vược phải đi thôi. Chị bạn của Khìn bảo Vược đi cũng được, nhưng hãy để lại cho chị một đứa con. Đàn ông phần nhiều đi đánh trận chưa về, phần còn lại cũng chẳng ai để ý tới một người quá lứa lỡ thì như chị. Chị không cần gì, chỉ cần có đứa con sau này còn có chỗ dựa lúc về già. Biết làm sao được, từ chối không đặng, dẫu sao hai người cũng đã có lễ hỏi đàng hoàng, thôi thì nếu mình muốn bỏ đi thì cũng phải trọn nghĩa. Vược nghĩ vậy, rồi nói luôn: "Em xin anh một đứa con, anh sẵn sàng, nhưng anh không muốn sống ở đất này, cũng không mang em theo được".


Vược


Thế rồi Vược đi thật. Vược chạm đất Nghệ An đúng lúc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Những cái chết bom khiến Vược dựng tóc gáy. Trên ruộng, xác nằm rải rác khắp nơi, có người chết mất đầu, chôn được ba ngày mới tìm thấy đầu bị bắn treo trên ngọn tre làng. Vược theo một đám người chạy loạn lên một huyện miền núi của Nghệ An, nơi bom Mỹ ít bắn tới nhất. Đây là vùng đất kinh tế mới bắt đầu xây dựng, những đồi chè thoai thoải mới trồng còn trắng phớ màu đất. Kể từ đó, Vược nghiễm nhiên trở thành một công nhân trồng chè trên mảnh đất trung du cằn cỗi này.


Nông trường chè có một con đập dài dài chảy quanh dưới chân đồi. Người ta phân công Vược bảo vệ con đập. Vược được phân cho một cây súng, ngày ngày dạo quanh thong thả. Một hôm, có anh bộ đội người Bắc ra câu cá ở đập, bị Vược phát hiện. Vược giương súng lên, bắn cho anh bộ đội một phát vào mông. Anh bộ đội không chết, cũng chỉ bị thương nhẹ. Nhưng ngay tối hôm ấy, bộ đội kéo nhau vào khu tập thể nơi Vược ở. Vược phải trốn sang một khu tập thể khác, chạy vào trong nhà tắm nữ. Đúng lúc ấy thì một cô gái ôm đồ bước vào, nhìn thấy Vược. Cô gái thất kinh hét lên, nhưng Vược đã kịp thời bịt miệng cô lại. Cô gái ú ớ trong tay Vược, nhưng chỉ tới khi Vược suỵt khẽ ra hiệu không được lên tiếng, thì cô gái mới được Vược nới tay thả lỏng. Một giọng miền Nam khe khẽ tới ngọt ngào cất lên: "Anh là ai, làm chi ở đây"?


Cô gái ấy là Nhình, người sau này trở thành vợ chính thức của Vược.


Mãi tới nửa đêm, khi bộ đội đã sục sạo rút quân, Vược mới dám bò ra ngoài, gặp Nhình. Nhình có nước da ram rám, nhưng nụ cười duyên duyên kỳ lạ của con gái miền Nam. Suốt đêm ấy, Vược phải trốn trong phòng của Nhình, nghe kể chuyện mới biết Nhình quê ở Đồng Nai, được bố mẹ gửi ra đi lánh nạn chiến tranh, rồi thất lạc gia đình từ mấy năm nay. Nhình ở chung với một cô gái Nghệ An tên là Toan, hai người thân thiết coi nhau như chị em ruột. Toan nhỏ người, ít tuổi hơn nên là em, còn Nhình là chị. Mới đầu gặp, Toan cứ nép người sau lưng Nhình, chỉ dám nhìn trộm Vược. Rồi Vược kể chuyện làm quà gặp mặt, Vược kể về câu chuyện đời mình, tất nhiên là trừ chuyện dùng dằng với Khìn và chị bạn Khìn. Nhình và Toan cứ trợn tròn mắt nghe Vược kể chuyện, ra chừng thích thú.


Rồi câu chuyện của Vược cứ thế lan truyền từ người này qua người khác. Nếu có ai đó hỏi về vết sẹo trên thái dương, Vược đều nói đó là dấu tích của cái hồi đầu đi bộ đội. Chuyện Vược đứng ra nhận tội thay bạn, người ta kháo nhau rằng Vược là một anh hùng.


Nhình bén duyên Vược rất nhanh, chẳng mấy chốc họ nhất trí lấy nhau bằng cái đám cưới nho nhỏ, vui vẻ. Nhình khỏe, mắn đẻ, ngay năm đầu tiên đã sinh cho Vược thằng cu kháu khỉnh, đặt tên là Vông. Trộm vía, Vông càng lớn càng giống bố, trừ mỗi nước da. Da Vông trắng nõn như da con gái, môi hồng, khác với nước da bã trầu và đôi môi đỏ đỏ thâm thâm của Vược. Sau Vông, Nhình còn sinh thêm bốn đứa nữa, nhưng toàn con gái. Vị chi trong tám năm, Nhình sinh được năm đứa con, một trai, bốn gái.


Nhình là người tháo vát, nhanh nhẹn, cũng được lòng anh em bạn bè công nhân đồng lứa. Họ chung tay dựng cho hai vợ chồng Nhình ngôi nhà gỗ cạnh con đường to dẫn vào nông trường. Năm Vông lên năm tuổi, tức là khi Nhình đang mang thai đứa thứ tư trong bụng, thì đột nhiên Khìn xuất hiện. Khìn dắt theo hai đứa trẻ gái đến tìm Vược. Vược ngạc nhiên lắm, hỏi vì sao Khìn biết chỗ Vược ở thì Khìn bảo rằng dù Vược ở đâu, Khìn cũng tìm tới được. Khìn chỉ đùa thế thôi, cố tình đưa mắt chọc tức Nhình một tí, rồi nói thật là cái anh bộ đội bị Vược bắn thủng mông lại là bạn học của chồng Khìn, chuyện qua chuyện lại vài lần thì Khìn biết nơi Vược ở. Vược nhìn hai đứa bé sem sém nhau, chột dạ. Khìn nói, Khìn đưa hai đứa con đến trả Vược. Vược như nghe không rõ, hỏi lại xem chúng nó con ai. Khìn chỉ tay vào đứa lớn hơn chút xíu, bảo nó là con gái của Khìn và Vược, đứa nhỏ hơn một chút là con gái của Vược với chị bạn của Khìn. Chị bạn Khìn bị chết bom năm bảy ba, khi ấy đứa bé mới được hai tháng tuổi. Định bảo Khìn đưa đứa bé về nuôi, coi như báo đáp ân tình của Vược. Khìn nghĩ mà thấy tức cười, chẳng phải Định đang nuôi đứa con rơi của Vược mà cứ nghĩ là con gái mình đó sao?


Khìn để hai đứa trẻ lại cho Vược, nói rằng bây giờ Định đã biết hết mọi chuyện, Khìn không thể nuôi hai đứa trẻ này được nữa. Vược không chối được, mà chối làm sao khi hai đứa con gái na ná nhau và lại giống hệt như Vông và hai em gái của Vông? Mà cũng thật lạ là, Nhình không từ chối hai đứa trẻ, chỉ bảo Khìn hãy đi đi, đây không phải là nơi Khìn có thể ở. Khìn đi thật, nhưng hai hôm sau người ta kêu Vược đến bên con đập hồi trước Vược bảo vệ. Xác Khìn nổi lên trên mặt nước, mái tóc bồng bềnh xõa rối, người trương phình hết cả lên, duy chỉ có gương mặt là vẫn hồng hào mơn mởn như ngày nào.


Nhình bảo, âu cũng là cái mệnh. Khi Khìn dẫn hai đứa trẻ đi tìm Vược, chắc Khìn cũng đã dự tính sẵn kết quả này, nên khó trách ai được. Nhình cũng nói thẳng, hai đứa trẻ là chuyện quá khứ của Vược, nên Nhình không truy cứu nhiều. Tuy nhiên, kể từ bây giờ, khi mà Nhình nuôi dạy hai con riêng của Vược tử tế, thì Vược cũng nên biết điều mà đừng có léng phéng nữa. Từ đó, Vược mới kể lại câu chuyện của mình, tất nhiên là không quên thêm vào chuyện lăng nhăng với Khìn và chị bạn của Khìn.Khi đứa con thứ năm của Nhình và Vược được tuổi rưỡi, thì Nhình nhận được tin báo đã tìm được gia đình thất lạc của mình ở Vũng Tàu. Vui mừng khỏi nói, Nhình ngay lập tức thu xếp vào Vũng Tàu để gặp lại gia đình. Thế nhưng, đứa út còn nhỏ quá, đi không tiện, mà Vược cũng vừa mới qua cơn sốt rét, đi lại càng mệt hơn. Nhình quyết định để Vược và đứa nhỏ ở lại, cũng là nhân dịp cai sữa cho nó. Nhình nhờ Toan chăm sóc bố con Vược mấy tháng, còn Nhình dẫn Vông và năm đứa con gái vào Vũng Tàu.


Đứa nhỏ đột ngột bị tách khỏi mẹ, khóc suốt ngày suốt đêm. Vược mới ốm dậy, nghe tiếng trẻ con khóc thì muốn phát sốt trở lại, nên cứ giờ trước giờ sau lại gọi Toan sang cầu cứu. Toan dỗ không nổi, phải vạch áo mình lên cho đứa nhỏ ngậm ti mình, nhưng không có sữa nên nó vẫn khóc toáng lên. Riết rồi cũng quen, đứa nhỏ bớt khóc hơn, thỉnh thoảng lại ngậm ti dì Toan cho đỡ thèm, rồi ăn no lăn ra ngủ. Có hôm, Vược đi từ đồi xuống, thấy Toan ôm đứa nhỏ trong lòng nằm ngủ trưa, chiếc áo bật cúc hớ hênh mà đứa nhỏ đang thò tay vào sờ ti dì ngủ ngon lành. Lòng Vược chợn rợn xốn xang. Vược khẽ nuốt nước bọt, đứng nhìn Toan hồi lâu cho đến khi Toan trở mình thì Vược mới bỏ chạy ra ngoài. Toan nghe tiếng bước chân, giật mình nhìn theo, kịp trông thấy dáng Vược. Toan vội ngồi dậy khép hai cánh áo, mặt đỏ bừng lên xấu hổ. Kể từ lúc ấy, Vược và Toan cứ ngường ngượng mỗi khi nhìn thấy nhau.


Một đêm, đứa trẻ nhì nhằng đòi dì Toan ở lại ngủ với nó. Toan nhìn trộm Vược, bắt gặp Vược đang nhìn mình thì cúi mặt xuống, lảng tránh. Tối hôm đó, khi đứa nhỏ ngủ say, Vược mò vào giường, nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh Toan. Toan không hề giật mình, cũng không lấy làm lạ, chỉ hơi toát mồ hôi nhè nhẹ. Vược dắt tay Toan ra ngoài nương sắn, rồi ghì Toan trên đám lá non xanh tía. Mãi cho đến khi tiếng khóc của đứa nhỏ ngằn ngặt vang lên, hai người mới chịu buông nhau ra, quay trở về giường. Từ hôm ấy, Vược và Toan cùng đứa nhỏ ngủ chung một giường, không phải né tránh gì cả. Đêm hôm, chiếc giường rung lên, đến cả người đi đường cũng nghe thấy tiếng rên rỉ vật vã từ ngôi nhà vọng ra tới bên ngoài. Người ta kháo nhau, rồi xì xào, nhưng tuyệt nhiên Toan và Vược không hề lấy làm áy náy.


Vược


Bốn tháng sau, Nhình dẫn em trai mình và các con quay trở lại. Làng trong xóm ngoài đã rỉ tai nhau khiến Nhình cảm thấy bất an. Về đến nhà, cái bụng ba tháng của Toan bắt đầu nhô nhô sau làn áo đập vào mắt Nhình. Nhình chết điếng. Em trai Nhình nhảy vào đánh Vược hai bạt tai, chửi ông anh rể là đồ khốn nạn.