Người chịu tội
Đăng: 19-05-2016
Người chịu tội
Nhiều khi về làng, tôi ước mong được nhìn thấy hình ảnh một người nông dân thuần chất dắt trâu ra đồng nhưng không mấy khi thấy. Những lần hiếm hoi tôi được nhìn thấy hình ảnh đẹp như thơ văn ấy là những lần tôi tình cờ nhìn thấy bác Tính dắt trâu ra đồng. Bao năm trôi qua, trông bác vẫn vậy.Tôi chắc bác vẫn không biết đến ốm đau gì.
Hồ nước ở đầu đường dẫn vào làng tôi ngày trước rộng lắm, nhưng bây giờ đang bị lấn dần bởi nhà dân, công thêm những thứ gạch đá, vôi vữa thừa thãi từ những công trình đổ xuống. Nước trong hồ bây giờ nông choèn choèn, bẩn thỉu.
Không biết từ khi nào, bác Tính có thói quen buổi trưa ra hồ nước đó, móc gạch đá từ dưới hồ rồi ném lên mặt đường. Có khi bác chất đầy một đống trên bờ. Rồi có những ngày bác ở đó cả ngày, hết moi đất đá ném lên bờ lại nhảy xuống tắm dưới lòng hồ giờ bằng một nửa ngày trước.
Tôi nghe vợ bác kể, lắm hôm bác bỏ đi khỏi nhà cả ngày khiến vợ con nhớn nhác đi tìm. Tối mịt bác mới về, mang theo một ôm quần áo cũ rách, những bộ ấm chén sứt mẻ, những thanh gỗ thừa bác nhặt từ bãi rác. Những thứ mà ngày xưa chưa chắc đã bị coi là đồ bỏ đi.
Về sau, không thể cản được, vợ con bác đành để mặc cho bác đi như vậy.Có những khi người làng gặp bác đi rất xa, cách nhà cả chục cây số để nhặt nhạnh ven đường những thứ đồ cũ bỏ đi kiểu như vậy.Và lần nào thì đến tối bác cũng về nhà, chưa bao giờ đi lạc.Bây giờ bác không còn đi nhổ cây non và bẻ cành cây nhà người ta như trước nữa.
Nhìn bác mang từ đâu về một ít gạch vỡ giữa trời nắng, chân đi đất trên đường nhựa bỏng rát, đầu không mũ và vẫn cởi trần mặc quần cộc, tôi tự hỏi không biết bác sẽ còn đi như thế đến bao giờ nữa.
Hình như thời tiết không thể làm hại được bác. Có hôm người làng đi chợ sớm, thấy bác nằm ngủ ở ven đường, tưởng bác cảm chết, lại gần gọi thì bác lại vục dậy bỏ đi.Bác là người dở hơi và mọi thứ xấu xa, độc hại xuất hiện ở làng tôi từ khi có cuộc sống mới không thể xâm chiếm bác.
Một đám thanh niên làng đầu xanh đầu đỏ phóng xe máy qua, rú lên như một lũ quỷ sứ. Nhiều năm trước, đám thanh niên ấy là bạn học của tôi.Một vỏ chai nước ngọt bằng nhựa bị ném xuống đường.Bác Tính đặt ôm gạch xuống rồi nhặt chiếc vỏ chai, giắt vào cạp quần rồi lại lung túng nhặt nắm gạch lên đi về. Mẹ tôi nhìn theo cái bóng đen thẫm của bác rồi khẽ nói:
- Xem ông Tính hâm kìa, đúng là bị trời đày.
Có lẽ bác tôi nói đúng, bác Tính là người chịu tội thay cho những người khác.
***
Tôi gặp lại Mai. Em không còn tham gia đội tuyển bi sắt nữa mà đã vào làm ở Khu Công Nghiệp Nội Bài. Em bây giờ càng khác trước. Tóc để dài ngang vai và được ép cẩn thận. Sự đủ đầy toát lên từ bộ đồ đắt tiền em đang mặc, đôi bốt hạng sang, dáng đi mạnh mẽ kiêu hãnh của một cô người mẫu. Nhưng tôi cũng chỉ nhìn em chứ không hỏi gì. Liệu đến bao giờ tôi mới nói chuyện với em được nhỉ? Tôi không biết nữa. Hình như em có sự đủ đầy mà không có sự yên bình.
Đi từ đầu làng vào em luôn đeo khẩu trang. Đôi mắt em chẳng bộc lộ một thứ cảm xúc gì cả. Em cứ im lặng đi từ ngoài bến xe bus vào đến nhà. Người ta lại xì xào:
- Có phải đứa út nhà Tính hâm kia không?
- Con này càng ngày càng thấy ăn chơi. Hôm nọ còn có thằng mang xe máy đến tận cổng đón đi nhé.
- Hình như nó toàn mặc đồ xin hàng hiệu đấy! Bây giờ thì nàng kiêu lắm.Về làng mặt cứ vênh lên nhé.
- Có tiền rồi có khác nhỉ. Đố ai dám bảo nó là con nhà Tính hâm ngày trước nhé.
- Lúc nào nó về cũng thấy nó bịt bùng kín như thế kia. Chắc không muốn ai nhận ra mình là con nhà Tính hâm. Hê hê!
- Trông nó sang lắm, chả biết liệu có phải làm trong khu công nghiệp không nữa. Hay là lại...! Ôi, cái thứ gái quê học chưa xong cấp hai, đi ra ngoài thì làm được cái gì mà lắm tiền thế nhỉ?
Anh chẳng biết những gì người ta nói sẽ có mấy phần là sự thật, nhưng có điều này anh biết chắc chắn, Mai ạ: Em có quyền cười vào mọi thứ tương tự như vậy!
Nguyễn Việt Hải