Người bới rác
Đăng: 11-05-2016
Người bới rác
Có một đêm, ông cai thầu đi kiểm tra, từ rất xa, ông ta đã nghe thấy những tiếng rên kỳ quái, tiếng rên ấy khiến cái đêm rét mướt này cũng phải rùng mình, phát run lên.
***
Nơi góc phía tây của thành phố này có một khu chế xuất lớn, số nông dân tới đây tham gia xây dựng, có đến hàng trăm, ông Bát Quý là một người trong số đó, ông tham gia xây dựng trên một khu công trường.
Tối tối Bát Quý mệt mỏi đến chừng như không nuốt nổi miếng cơm. Đêm khuya, vắng người tịch mịch, khi những người bạn thợ ngủ ngáy như sấm, Bát Quý ngồi dậy, quặt tay về phía sau, đấm lưng mình. Ông không muốn rên rỉ, nhưng nhịn không được, nỗi thống khổ chỉ có thể biến thành tiếng rên, mới có được niềm an ủi thư giãn.
Có một đêm, ông cai thầu đi kiểm tra, từ rất xa, ông ta đã nghe thấy những tiếng rên kỳ quái, tiếng rên ấy khiến cái đêm rét mướt này cũng phải rùng mình, phát run lên. Ông cai đi đến bên cửa sổ, nhìn thấy một người đang ngồi giữa chiếc giường đơn, đấm đấm lưng mình, mỗi lúc một mạnh hơn, những tiếng rên chính là từ kẽ răng người này bật ra. Ông cai rọi đèn pin vào đó, Bát Quý vội vã nằm sập xuống, và đau đớn nuốt nỗi thống khổ vào bụng như nuốt hột óc chó (hột hạch đào), khô khốc, rắn đanh...
Nhưng ông cai đã nhận ra ông, nên gọi:
- Bát Quý! Bát Quý! Ra đây!
Bát Quý đi ra bên ngoài, ông cai nhìn nhìn, ngắm nghía ông, nói:
- Xem ra công việc ở đây ông không kham nổi đâu.
Bát Quý cuống lên, nói:
- Hai hôm nay, tôi có hơi bị cảm...
Ông cai nhìn những vết nhăn, dúm dó, chằng chịt, trên mặt Bát Quý, hỏi:
- Thực ra, ông bao nhiêu tuổi rồi?
Bát Quý đáp:
- Thì tôi đã chẳng nói với ông rồi là gì? Kém hai tuổi đầy năm mươi!
Ông cai bảo Bát Quý đi ngủ tiếp, rồi mình cũng rời khỏi công trường...
Ngày hôm sau, ông cai lặng lẽ tìm ông đảng ủy xã, người đã chứng thực tuổi tác vào giấy tờ của Bát Quý, con số làm ông cai giật mình: Bát Quý đã sáu chục tuổi chẵn! Ông cai đi đến bên Bát Quý, ở chỗ cạnh chiếc máy trộn bê tông, mô tơ đang kéo chạy quay tít, trả cho Bát Quý số tiền công gấp đôi, để ông nghỉ việc. Ông cai nói:
- Ông lão ạ, nên về quê mà nghỉ ngơi dưỡng sức, tội gì phải khổ cái thân già thế!
Bát Quý cầm tiền, đau khổ, bùi ngùi, rời khỏi công trường. Ông đi như kẻ mất hồn lạc phách trên đường phố, nghĩ bụng, mình sẽ chẳng còn kiếm ra được công việc gì nữa, bởi công việc ở cái công trường này, ông kiếm ra được đâu có phải dễ dàng gì? Ai ngờ, mới làm chưa được hai tháng, đã bị mất việc. Tất cả chỉ tại cái tấm lưng khốn khổ của ông gây ra! Nghĩ tới đây ông thấy bực mình quá đỗi, ông nắm chặt hai nắm tay đấm huỳnh huỵch vào lưng mình...
- Ối! Ái!
Một người đàn bà, chừng ngót năm mươi tuổi đang đứng bới rác trong thùng rác, bên cạnh đấy, nghe tiếng Bát Quý kêu đau thì ngạc nhiên chăm chăm nhìn ông, nhưng chẳng thấy ông có phản ứng gì, nên lại tiếp tục cúi đầu xuống thùng rác, bới bới móc móc. Bát Quý cũng nhìn thấy người đàn bà ấy, rồi ngay lập tức mắt ông chợt lóe sáng:
- Ờ! Tại sao mình không đi bới rác nhỉ?
Ngay hôm ấy, Bát Quý đeo chiếc sọt lên lưng, tay xách chiếc túi xác rắn, đang đi xuyên ngang qua một con phố, ông thấy có một thanh niên độ mười tám, mười chín tuổi, đẩy một chiếc xe đạp mới tinh đến trước mặt ông, hỏi:
- Ông ơi, ông có mua chiếc xe đạp này cháu bán cho?
Bát Quý cười:
- Tôi không biết đi xe!
Cậu thanh niên nói
- Không biết đi cũng không sao! Ông để tất cả các thứ lên xe mà đẩy, có phải nhẹ mình hơn không?
Bát Quý vẫn từ chối, không mua. Cậu thanh niên bật lên khóc, nói rằng mình đói, không có tiền ăn cơm, nên mới phải đem chiếc xe đạp thân yêu quý hóa của mình bán đi, mà chỉ bán lấy một trăm tệ... Nói xong, cậu thanh niên giơ cao cánh tay phải của mình lên, ông lão nhìn thấy năm ngón tay của bàn tay ấy đều bị khoèo, co gập lại, đó là dấu tích của một lần bỏng nặng.
Bát Quý thấy thương cậu thanh niên, đành rút ra cả trăm bạc mua chiếc xe đạp ấy.
Ngay cả việc đẩy xe, ông cũng không biết đẩy, chiếc xe cứ xiêu xiêu, vẹo vẹo, nghiêng nghiêng, ngả ngả, nhưng rõ ràng là, trên tay, trên lưng, thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Theo thói quen, ông vô tình, vặn lưng mình một cái, ông cảm thấy cái trò chơi này của người dân thành phố cũng là rất hay...
Ông liêu xiêu đẩy chiếc xe đi qua mấy đường phố. Khi ông đi ngang qua một khu nhà ở tập thể, ông thấy, người bảo vệ khu tập thể bỗng nhảy chồm lên, chộp lấy, và bắt giữ lấy, chiếc xe đạp của ông. Bát Quý chẳng hiểu sự thể ra làm sao, nhưng người bảo vệ khu tập thể đã nói:
- Đây chính là chiếc xe đạp của tôi! Ông đã đánh cắp xe của tôi, ông là tên trộm cắp.
Mỗi nếp nhăn trên khuôn mặt Bát Quý đều như hằn thêm lên những nỗi ô nhục. Ông thanh minh:
- Đây là chiếc xe đạp của tôi mới mua!
Nhưng người bảo vệ không cần nghe thanh minh thanh tra gì hết, vứt tung tóe những túi rác xuống mặt đất, đẩy chiếc xe vào bên trong cổng khu tập thể, Bát Quý không chịu, bắt đầu giằng co chiếc xe với người bảo vệ... Có thêm hai người bảo vệ nữa chạy ra, lôi luôn Bát Quý tới đồn công an gần đó...
Chiếc xe đạp đích xác là của người bảo vệ, nó đã bị mất từ hai hôm nay. Nhưng công an cũng tin rằng Bát Quý không phải là kẻ trộm cắp, và hỏi ông là người ở đâu? Bát Quý đáp:
- Tôi là người ở nhà quê, cách đây rất xa.
Công an đòi ông cho xem chứng minh thư, Bát Quý làm gì có chứng minh thư? Công an lại hỏi ông giấy tạm trú, Bát Quý cũng làm gì có giấy tạm trú? Họ hỏi ông, hiện đang ở đâu? Bát Quý nói:
- Cứ chỗ nào ngủ được thì ngủ!
Thì ra, ông là người "ba không", cần kiểm tra nghiêm ngặt của thành phố này. Công an chuyển ông vào nhà gọi là "thu dung tạm giữ", bảo rằng, trong vòng ba hôm, sẽ thông báo cho người nhà, đến đón về... Vợ của Bát Quý đã qua đời từ hăm nhăm năm trước, ông có hai người con, thì người con lớn đã mắc bệnh lao từ mươi năm nay, người con thứ hai đang học thi thạc sĩ ở Bắc Kinh, ông ra thành phố kiếm tiền để chu cấp cho các con, tức là cho con lớn chữa bệnh, cho con nhỏ ăn học...
Ông ngồi mèm, bó gối, trong nhà tạm giữ, suy nghĩ rất nhiều, ông cảm thấy, trong cuộc sống, dù là có đi đến đâu cũng là sự công bằng của cái số cả. Nhưng có chỗ, ông còn rất lấy làm chua xót, là thứ nhất, người thanh niên kia đã lừa dối ông, thứ hai là người bảo vệ đã gọi ông là tên trộm cắp. Ông không phân biệt được thế nào là nhà tạm giữ với nhà tù, chỉ biết rằng mình, hiện nay đang bị giam giữ, và chỉ có người xấu mới bị giam giữ mà thôi, ông cảm thấy như mình đúng là kẻ phạm tội, thật không còn mặt mũi nào, mà đi gặp ai nữa...
Ông chỉ ở trong nhà tạm giữ có một ngày, công an đã thả ông ra... Lúc này, Bát Quý mới chảy nước mắt, cảm ơn không hết lời những người công an. Sau đó, ông lại tiếp tục đi bới rác ở thành phố này.
Vào một buổi chiều bảng lảng nửa tháng sau, Bát Quý đi bán rác, rồi quay trở về chỗ, vẫn là nơi "tạm trú" của ông. Khi ông đi qua một ngõ hẻm, nhìn thấy trong một góc tường khuất, một người mặt mũi đầm đìa máu me, nằm còng queo tại đó, như đã chết, Bát Quý bước gần lại để nhìn cho rõ! Trời đất ơi! Đó chính là cậu thanh niên đã bán xe đạp cho ông. Tuổi trẻ, còn dại mà!
Ông lấy tay đặt vào mũi cậu ta, vẫn còn thở. Bát Quý buông một tiếng thở dài, đứng lặng một lát, và như trút nỗi bực dọc ra với ai đó: - Người đấy...
Ông vất vả lắm mới đặt được cậu thanh niên lên lưng, cõng thẳng tới bệnh viện. Cậu thanh niên, khi lại ăn cắp xe đạp, bị bắt quả tang, và phải ăn một trận đòn đau. Bốn trăm tệ tiền viện phí, điều trị, Bát Quý phải trả đủ.
Khi cậu thanh niên tỉnh lại trên giường bệnh, nhìn thấy Bát Quý, cậu sợ hãi co dúm vào một góc giường, đau đớn, vò đầu bứt tai khốn khổ. Người y tá nói cho cậu biết:
- Đây là ông lão đã cõng cậu tới bệnh viện.
Cậu thanh niên bật dậy, từ trên giường tụt xuống, quỳ dưới đất, khấu đầu, lễ Bát Quý. Bát Quý kéo cậu ta đứng dậy, trong lòng đau như dao cắt nói: - Người đấy!
Cậu thanh niên thấy mình như không còn đất dung thân, nên nói lại cho Bát Quý nghe về thân thế mình: Cậu ta là người của thành phố này, mồ côi, lang thang, không có nhà cửa gì, ngay từ năm 15 tuổi đã phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống, nhưng vì năm ngón tay bị co quắp, khoèo lại như thế, nên mỗi nơi, chỉ làm được vài ba ngày, là đã bị người ta đuổi việc. Cậu ta thấy sống không nổi, nên đành phải đi đánh cắp xe đạp. Nhưng là mới đi trộm cắp, chiếc xe bán cho Bát Quý là chiếc xe đầu tiên cậu đánh cắp được, khi đi ăn trộm chiếc xe thứ hai, thì bị bắt, và bị đánh...
Bát Quý nói: - Người càng phải chịu đau khổ nhiều, lại càng phải nghĩ nhiều tới cái đức!
Cậu thanh niên khóc không thành tiếng. Mấy ngày sau, cậu thanh niên khoèo năm ngón tay được xuất viện...
Từ đó... sau lưng Bát Quý, bao giờ cũng có một cậu thanh niên mười tám mười chín tuổi đi theo, họ cùng nhau đi bới rác, cùng nhau đi ăn uống, đến tối lại cùng nhau chui vào chiếc chăn bông cũ rách, của Bát Quý mang theo từ dưới quê lên. Trước khi đi ngủ, bao giờ Bát Quý cũng nằm cho cậu thanh niên đấm lưng hộ. Số tiền bán rác bới được cũng chia đôi.
Người thanh niên nhanh chóng trả được, ngoài số tiền 400 tệ viện phí do Bát Quý trả hộ, còn trả thêm cả 100 tệ tiền chiếc xe đạp nữa, sau đó ngoài việc chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt, không đáng bao nhiêu, cậu thanh niên còn có tiền để dành.