Đối Tâm

Đối Tâm

Tác giả: Sưu Tầm

Đánh giá: 9/10

Đăng: 19-05-2016

Đối Tâm

Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của bạn, bằng cách này hay cách khác chính bạn cũng sẽ thực hiện được điều đó miễn là đừng viển vông, ảo tưởng!


***


Tên cô gái - Đối Tâm. Cô sống, học hành và làm việc ở thành phố này đã ngót bảy năm, bảy tháng. Cô sống trong một phòng trọ mười mét vuông với em trai.


Em cô ở đây chắc được mười năm không lẻ. Nó đi học đại học và làm việc tại thành phố luôn, nghề của nó không phù hợp ở quê. Nó kém chị nó ba tuổi, hai tuổi chuột, mèo xung khắc nhau ấy vậy mà nhường nhịn nhau cũng ngần ấy thời gian êm ấm. Có lúc tưởng như chia ra ở riêng với bạn nhưng Đối Tâm không đồng ý nên kéo dài tới giờ.


Đối Tâm


 


Thằng em vừa mới kết hôn, mua được chung cư nên dọn ra ở riêng còn lại mình Đối Tâm. Có lẽ quen với cuộc sống một mình nên cô cũng chẳng muốn ai ở ghép với mình, mặc dù cô có vài đứa em họ học gần đó. Hồi còn thằng em sống cùng, nó cứ đi Hà Nội, Đà Nẵng...công tác dài ngày suốt, ở nhà một mình, ăn cơm một mình riết thành quen. Đôi lúc có những buổi tối trắng đêm không ngủ được vì sợ "ma", cô lại mở đèn sáng choang, mở nhạc nho nhỏ đủ nghe, có khi nghe kinh. Người ta nói "ma" rất thích nghe kinh, cứ mỗi lần như vậy cô thấy yên tâm trong lòng một chút, rồi chợp mắt nhưng một lát lại giật mình ngồi bật dậy như gắn lò xo dưới mông vậy, rồi cô lia ánh mắt khắp phòng. Không biết là ảo giác hay là thật mà cô cứ thấy đồ vật di chuyển , thật kinh khủng. Rồi cô quyết định xem phim Hàn Quốc , Trung Quốc hay Thái Lan gì đó cho đến năm giờ sáng mới đi ngủ. Khoảng hơn bốn giờ tiếng chuông nhà thờ vang lên và một lát sau cô mới tắt màn hình máy tính đi ngủ. Cô thiếp đi trong mệt mỏi vì thức đêm. Nếp nhăn và tính tình khó chịu từ đó mà ra cả.


Cũng giống như bao người khác cô cũng có ước mơ nhỏ rồi ước mơ to. Thời gian trước lúc còn ở quê ước mơ to nhất của cô là được đi học. Thậm chí nằm mơ cô cũng thấy mình được đi học. Với người khác không biết thế nào nhưng với cô là một khao khát không kiềm nén được nó cứ thôi thúc cô. Nhưng khổ nỗi ngày xưa khi nghỉ học dang dở cấp hai chưa tốt nghiệp, mà ở quê làm gì có dạy bổ túc thế là giấc mơ tan tành, cô cũng đau khổ dằn vặt dữ lắm một thời gian. Ngày đó, thời gian trước vì gia đình cô đông con , ba má chật vật lắm mới có được cái ăn cho bốn đứa nhỏ cập kê tuổi đang lớn. Cơm thì bữa cơm trắng với nước mắm mỡ hành thơm lựng, ấy vậy mà bốn đứa ăn lấy ăn để một cách ngon lành. Đứa nào sức khỏe cũng tốt, chắc nhờ trời thương. Ba má làm lụng quần quật quanh năm với ba sào đất thổ trồng trỉa . Đến khi thu hoạch cũng chẳng nhiêu đồng, cộng với vườn chuối trong nhà năm, bảy ngày được buồng chuối đem chợ bán tầm ba, bốn chục ngàn gì đó. Má đâu dám mua gì, chỉ mua một ít cá nục, mua gói thuốc lá cho ba, một gói kẹo cà bọc trong gói lá chuối khô đem về cho mấy đứa nhỏ. Má phải để dành ít tiền phòng đau, ốm với đóng tiền học cho bọn trẻ. Ba cô bản chất hiền lành ít giao du với ai, cũng chẳng la cà quán xá nhưng có một tật là uống rượu. Thỉnh thoảng những cơn say của ông làm cả gia đình rối loạn, hàng xóm được phen lời ra tiếng vào, mỗi lần như vậy má cô ôm mặt khóc đòi chết lên chết xuống cho xong. Còn mấy đứa nhỏ thì béng mảng đi chỗ khác trốn chứ đứa nào dám đến gần. Không biết quá khứ ông đã tổn thương sâu sắc điều gì mà ông đã mượn rượu để giải sầu suốt thành nghiện không bỏ được.


Và cô chán, chán cái cảnh như vậy nên cô bỏ học và quyết định đi làm thuê làm mướn ở Tây Nguyên. Chị cô không sống với ba má cô, từ nhỏ chị ấy ở với chú thím vì họ không có con. Họ lấy nhau mười mấy năm vẫn không con, nghe đâu ông chú không sinh được thế là họ xem chị cô như con ruột của mình. Họ sống ở thành phố nhưng cuộc sống cũng chẳng khá gì, hai vợ chồng làm lụng tần tảo mua được căn nhà nhỏ với chiếc xe máy. Hàng ngày chú cô đi làm ở công ty với đồng lương còm cõi, bà thím mở một quán cà phê nhỏ và chị cô phụ bán với bà.


Đối Tâm nghỉ học khi đang lớp tám, ban đầu má cô không đồng ý nhưng cô thuyết phục l: "gia đình mình khó khăn, con phải đi làm phụ ba má nuôi em". Được sự đồng ý của ba má, sau đó một ngày cô rời quê lên ở với chú thím để xin đi làm xưởng gỗ . Công việc ở xưởng gỗ cực nhọc một phần, một phần bị những đồng nghiệp cũ chèn ép, chơi xấu đủ điều. Nhưng người tốt hẳn sẽ có người giúp đỡ, cô được một số đàn chị có máu mặt trong xưởng thương chỉ nghề cho. Bên cạnh đó, một quản đốc xưởng trạc tuổi ba cô với khuôn mặt phúc hậu, tính tình ôn hòa rất thương cô, luôn nhắc nhở chỉ bảo tận tình trong công việc, đôi lúc cô không tránh được sai phạm và bị chú Tú quát mắng là cô lại trốn trong một xó nức nở khóc . Vì tính chất công việc, buổi sáng cô phải đi làm từ năm giờ đến tận khuya gần mười giờ đêm mới về đến nhà. Công việc cứ thế trôi chảy được một năm sau vì lý do sức khỏe nên cô buột lòng phải nghỉ làm ở đó. Mỗi đêm trở về nhà cô đều không ngủ được vì không thở được. Hàng ngày cô cũng như các công nhân khác hít rất nhiều bụi gỗ, keo dán gỗ nên cô bị viêm phổi cấp tính, phải chữa trị gấp. Không làm ở đó nữa người cô nhớ nhất là chú Tú, chú là một người đàn ông tốt, đã dẫn dắt cô vào nghề còn bảo vệ cô khi có những người khác ức hiếp. Tự sâu thẳm trái tim cô cảm kích và rất biết ơn chú suốt thời gian làm việc ở đó.


Sau khi phụ bán với thím, bà cho chị cô ra bán một quán cà phê nhỏ ở trong chợ. Quán tuy nhỏ nhưng rất đắt khách vì thế mà cô ở đó để phụ chị, mỗi tháng chị gửi tiền về quê cho ba má nuôi em. Thoắt bốn năm trôi qua ở Tây Nguyên, lần này cô về quê chơi thăm nhà hay tin bà chị họ mở trường mầm non dạy học ở thị trấn. Họ nói với ba má :"nếu được thì chú thím cho Đối Tâm tới trường làm", họ để dành cho một chỗ làm " cô giáo". Ừ thì cô giáo nhé ! Vậy là cô không lên Tây Nguyên nữa mà ở lại quê để làm "cô giáo" mầm non. Vì trường của chị họ mới mở ra nên tất cả đều mới mẻ từ hiệu trưởng, cô giáo, nấu ăn, bảo vệ...và các phòng học, học sinh đều mới. Mọi thứ đều sáng sủa và sạch sẽ. Những cô giáo học trung cấp ra trường tuổi còn rất trẻ, mười chín đôi mươi. Cô làm ở đó và được học hỏi rất nhiều cũng chịu ấm ức không kém rằng được vào làm là do " bà con" chứ học chưa hết cấp hai thì làm gì biết dạy. Dạy được hay không là do kinh nghiệm thực tiễn, bằng cấp là do quá trình học lý thuyết, cô chỉ thua họ cái gọi là bằng cấp. Đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của cô, cô đã chạy hỏi rất nhiều nơi xem có dạy bổ túc cấp hai không nhưng hầu như đều lắc đầu.


Nhà cô và chỗ làm cách nhau ba cây số nhưng cô không về nhà mà ở lại nhà chị họ. Nhà chị họ cô làm nghề và cô xin một xuất tối để học, làm thêm để có thêm thu nhập. Phần thì muốn mua chiếc xe máy với để dành tiền cho em cô vì nó sắp vào đại học rất cần tiền. Ba má thì chỉ lo được ba bữa là tốt lắm rồi làm gì có dư, mỗi khi có đám tiệc gì cũng chạy mượn hàng xóm hoặc bên phía ngoại rồi trả sau khi bán chuối hay lúa gì đó. Cuộc sống quả thật rất chật vật. Cô làm ở đó cũng đâu được bao nhiêu tiền, người có bằng trung cấp được bốn trăm ngàn , người không có bằng được ba trăm không mẻ một xu. Cái thời năm 2002 - 2003 nhiêu tiền đó là nhiều rồi.


Làm thêm buổi tối được nhiều tiền hơn nhưng công việc không ổn định có hôm làm, hôm không. Có khi việc nhiều phải làm ba - bốn giờ sáng mới đi ngủ. Khi đến trường cô luôn trong tình trạng thiếu ngủ . Hàng ngày tiếp xúc với bọn trẻ có nhiều điều thú vị nhưng cũng không kém phần gay cấn giống trong phim. Người ta nói dạy mầm non giống như làm dâu trăm họ vậy. Thật vậy đấy, có ai vào ngành đó mới thấy hết nỗi thống khổ. Bọn trẻ có đứa hiếu động đến hông chịu được, có đứa trầm tính nhưng đa phần đều nghịch ngợm. Chúng còn nhỏ giống như tờ giấy trắng, mọi thứ đều phải dạy từng li từng tí một. Làm việc, dạy dỗ đến trưa chỉ muốn được nghỉ lưng một chút thì đứa này khóc đứa kia đi ị bậy trong phòng, phải lau chùi dọn dẹp . Chiều trả cháu chỉ mong mọi chuyện yên bình hễ mà có bé nào bị bạn cào vào mặt hay chân tay thì thể nào cũng bị phụ huynh giáo huấn một trận. Họ nói tiếp với hiệu trưởng là bị hiệu trưởng hát nghe tập hai. Đâu chỉ vậy, trẻ con dễ bệnh, có những bé bị sốt cao lên cơn co giật là bắt đầu cô giáo cũng hồn vía phách lạc luôn, mỗi lần như vậy là mặt mày cô tái mét, miệng lắp bắp không ra tiếng, sợ đến nỗi nấc lên không nói được lời nào. Vì mọi thứ là lần đầu với lại yếu bóng vía nên cô cứ luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi suốt.


Tuy là làm dâu trăm họ thật nhưng thời gian làm ở đó vui và ý nghĩa lắm. Cô học hỏi rất nhiều thứ, được chơi với bọn trẻ nên trong lòng cũng thoải mái chỉ có khổ với công việc. Mỗi năm cứ đến dịp 20/11 là trường tổ chức ca múa nhạc, cô nhớ nhất là lúc mình hóa thân thành ông đồ dạy cho đám học trò học nhưng trên bàn có một đĩa bánh mật, ông không dạy cũng chẳng phát cho học trò cái nào mà ngồi ăn ngay trước mặt bọn chúng. Ăn hết banh, còn cái đĩa dính mật ông liếm luôn cái đĩa sạch trơn . Tiết mục kết thúc, được mọi người tán thưởng , hò hét quá chừng. Mỗi lần bên đoàn xã tổ chức ca hát nhân các ngày lễ, trường cũng cử cô tham gia ca hát, thế là cô ra sức tập hát tập múa, đủ thứ chuyện cả. Đó là những kỉ niệm đẹp trong quãng thời gian làm " cô giáo" mầm non của Đối tâm mà mãi đến giờ mọi thứ như mới hôm qua.


Nhưng, sau bảy năm hoạt động nhà trường quyết định đóng cửa vì làm ăn không có lãi , thế là mỗi người lại phải tự tìm cho mình một hướng đi riêng. Có ngườ ra mở riêng để dạy, có người xin vào các trường nhà nước, có người lại đi học tiếp và Đối Tâm đã quyết định đi Sài Gòn - một thành phố hoa lệ...